cơ cấu tổ chức

liên kết

Tiện ích


TIN TỨC Y TẾ

ĂN MẶN VÀ VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ
[ Cập nhật vào ngày (27/09/2019) ]

Muối là loại gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Hằng ngày, lượng muối sẽ bị mất đi thông qua các hoạt động của cơ thể như đi vệ sinh, tiết mồ hôi, nước mắt,... Bổ sung muối cho cơ thể bằng con đường thực phẩm chính là phương pháp bù lại lượng muối mất đi. Ngoài ra sử dụng muối i-ốt giúp phòng tránh các bệnh do thiếu i-ốt gây ra. Tuy nhiên, yêu thích sự đậm đà trong các món ăn nên từ lâu thói quen ăn mặn, sử dụng nhiều muối trong các bữa ăn hàng ngày đã phổ biến với đa số người dân Việt Nam. Cần lưu ý rằng muối còn có trong các gia vị khác như bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, mắm tôm, mắm tép …, trong các thực phẩm chế biến sẵn và cả trong thực phẩm tự nhiên.


VẬY ĂN MẶN (ĂN THỪA MUỐI) CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN SỨC KHOẺ?

1. TĂNG HUYẾT ÁP

Ăn mặn thường xuyên làm tăng huyết áp. Huyết áp cao dẫn tới nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri (natri là thành phần chính có trong muối). Natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.

 Chế độ ăn nhiều muối ở trẻ em cũng có ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh lý khác. Tăng huyết áp ở trẻ em còn để lại hậu quả tăng huyết áp ở người trưởng thành cũng như tăng nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp do mắc bệnh sớm làm thời gian mắc bệnh kéo dài.

2. GÂY LOÃNG XƯƠNG, SỎI THẬN VÀ CÁC RỐI LOẠN KHÁC DO MẤT CÁC KHOÁNG CHẤT

Ăn thừa muối làm cơ thể phải tìm cách để tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, từ đó có thể gây sỏi thận và các rối loạn khác do mất các khoáng chất. Thừa muối sẽ làm cho quá trình đào thải canxi tăng lên, khiến xương yếu đi và cũng gây ra bệnh loãng xương, nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.

3. TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG, TĂNG NGUY CƠ UNG THƯ DẠ DÀY

Người ăn quá mặn sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về dạ dày cao hơn người ăn uống bình thường do lượng muối cao làm phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn HP. Còn với những ai đã từng bị loét dạ dày, hàm lượng muối cao sẽ làm tăng độc tính của vi khuẩn HP càng gây loét dạ dày và tá tràng, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nguy cơ này càng cao nếu bạn có thói quen ăn mặn kết hợp với chua cay. Với người bị các chứng viêm, loét dạ dày, trong thực đơn hàng ngày nên dùng ít muối.

4. TĂNG NGUY CƠ BÉO PHÌ

Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống nhất là các loại nước ngọt.

5. TĂNG TÌNH TRẠNG GIỮ NƯỚC VÀ PHÙ

Ngoài ra ăn thừa muối còn làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặt biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan.

VẬY NHU CẦU MUỐI HẰNG NGÀY CẦN CUNG CẤP LÀ BAO NHIÊU?

 Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, lượng muối ăn vào hằng ngày:

+ Người lớn: 5g muối/ 1 ngày

+ Trẻ từ 2 - 15 tuổi: giảm muối (<5g/ 1 ngày), được điều chỉnh thích hợp với nhu cầu năng lượng để kiểm soát huyết áp và cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỂ GIẢM LƯỢNG MUỐI ĂN VÀO

1. Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn

2. Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm (1/5) muỗng cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày.

3. Hạn chế sử dụng thường xuyên các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, xúc xích, giò chả, các loại khô mắm, dưa muối và các loại thực phẩm chế biến sẵn.

4. Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối khi nấu.

5. Không nên lạm dụng bột nêm khi nấu thức ăn và không nên thay thế muối i-ốt để tránh thiếu hụt i-ốt.

MỘT SỐ HIỂU NHẦM KHI SỬ DỤNG MUỐI

1. Cần bổ sung muối vào ngày nóng đổ mồ hôi nhiều? là không cần thiết vì lượng muối mất qua mồ hôi rất ít, bạn chỉ nên uống thêm nhiều nước.

2. Thức ăn sẽ không ngon nếu không có muối? điều này có thể đúng khi mới bắt đầu giảm muối, nhưng cơ quan vị giác sẽ quen dần với thức ăn ít muối và có thể cảm nhận độ ngon của thức ăn ở mức độ rộng hơn trước.

3.Thức ăn nhiều muối sẽ có vị mặn? vị mặn của thức ăn nhiều muối có thể bị che lấp khi chúng được trộn với các vị khác như ngọt, chua… Do đó, cần đọc nhãn thực phẩm để tìm lượng muối trên sản phẩm.

4. Chỉ có người lớn tuổi mới cần quan tâm đến lượng muối ăn vào? Điều này không đúng vì ăn nhiều muối dẫn đến tăng huyết áp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

5. Giảm muối có thể gây hại cho sức khoẻ? Không sợ thiếu muối: muối có khắp các loại thực phẩm (Thịt, cá, trứng, rau củ quả,…) nên rất khó thiếu muối từ chế độ ăn.




CN LEN

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Text/HTML

Run 3 free games unblocked Yatak Odası Takımı