cơ cấu tổ chức

liên kết

Tiện ích


TIN TỨC Y TẾ

HƯỚNG DẪN SƠ CỨU TẠI CHỖ KHI CÓ DỊ VẬT BAY VÀO MẮT
[ Cập nhật vào ngày (17/03/2020) ]

Mùa thu hoạch tiêu, điều đã đến cũng là lúc Trung tâm y tế Huyện Cẩm Mỹ tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì có dị vật bay vào mắt, làm cho mắt nhanh chóng đỏ lên, cộm xốn, chảy nước mắt, nặng có thể gặp nhức mắt, nhìn mờ.


* Các dị vật thường gặp là:

- Sỏi, đất, bụi, dằm từ cây, cành lá quẹt vào mắt: các vật lạ có nguồn gốc thực vật là nguyên nhân rất hay gặp dẫn đến viêm kết giác mạc do nấm là một dạng viêm nhiễm ở mắt rất khó điều trị.

- Côn trùng nhỏ như bọ mắt, kiến, bọ xít... thường gặp khi làm vườn hoặc khi lái xe trên đường: phần còn lại trong mắt là lông, cánh hoặc chân côn trùng, là những bộ phận mảnh, có độ cong, sắc nên thường rất khó tự trôi ra. Ngoài ra các chất tiết từ côn trùng có thể gây bỏng mắt, có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng nếu điều trị không đúng cách.

- Dị vật là bụi kim loại khi làm hàn xì, nhôm kính cũng là nguyên nhân thường gặp.

* KHÔNG NÊN DỤI KHI BỊ VẬT LẠ BAY VÀO MẮT

Phản xạ đầu tiên của cơ thể khi bị một thứ gì đó bay vào mắt là nhanh chóng làm cho vật đó ra ngoài. Rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, thường rất hay đưa tay lên dụi mắt. Điều này vô hình dung lại làm bề mặt mắt dễ trầy xước hơn, thậm chí có thể thủng giác mạc, đồng thời vi trùng từ tay bẩn xâm nhập vào mắt tổn thương khiến mắt bị viêm nhiễm nặng hơn và có thể dẫn tới mù loà!

* VẬY CÁCH SƠ CỨU ĐÚNG KHI BỊ DỊ VẬT RƠI VÀO MẮT LÀ GÌ?

- Bình tĩnh tìm chỗ đứng an toàn (dừng xe sát lề đường, tránh xa các loại máy móc đang vận hành hoặc cây cối đang chặt, buộc).

- Chớp mắt nhiều lần, đặc biệt không đưa tay bẩn lên mắt.

- Nhỏ rửa mắt nhiều lần bằng nhiều giọt nước muối sinh lý. Trong trường hợp không có nước muối sinh lý, có thể dùng nước sạch thay thế: nghiêng đầu rửa mắt dưới vòi nước nhẹ hoặc chớp mắt liên tục trong 1 tô nước sạch, thay nước nếu cần. Việc này ngoài tác dụng lấy các dị vật nông trên bề mặt mắt, nó còn có tác dụng trung hoà các chất tiết do côn trùng hoặc hoá chất, làm giảm thiểu tối đa tổn thương mắt.

- Tuyệt đối không nên đắp các loại lá hoặc thịt động vật, nhỏ dầu gió hoặc bất cứ chất lỏng nào khác vào mắt!

- Không tự ý uống thuốc, nhỏ các loại thuốc vào mắt, bao gồm cả các loại thuốc có chứa thành phần corticoid (Polydexa, Neodex, Tobradex...).

- Trong trường hợp mắt còn thấy khó chịu nhiều sau khi rửa mắt, cần phải đến ngay cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa mắt để khám và chữa trị kịp thời.

*Cần làm gì để phòng tránh dị vật bay vào mắt:

- Đeo kính bảo hộ khi lao động, đặc biệt đối với thợ hàn xì, gia công kim loại vì dễ bị xâm nhập sâu.

- Đeo kính khi lái xe đi đường, đặc biệt vào ban đêm. Những con bọ mắt rất thích ánh sáng từ đèn xe.

- Rửa mặt sạch, vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nhất là ngay sau khi làm các công việc có nhiều bụi bặm.

*Trên đây là một số hướng dẫn nho nhỏ về cách sơ cứu tại chỗ đúng cách khi có dị vật bay vào mắt. Kính chúc bà con lao động hăng say cùng với đôi mắt khoẻ mạnh.




BS Nguyễn Thị Hồng Trinh

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Text/HTML

Run 3 free games unblocked Yatak Odası Takımı